Tin thị trường

Trang chủ

Tin tức

Tin thị trường

bo-ganh-nang-voi-thu-tuc-hai-quan

Bỏ gánh nặng với thủ tục hải quan
11/05/2024

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thủ tục liên quan tới hoạt động xuất-nhập khẩu hàng hóa thời gian qua liên tục được cải cách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Kết quả khảo sát mới được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cho thấy, số đông doanh nghiệp tỏ ra hài lòng với Cơ chế một cửa quốc gia và cải cách trong kiểm tra chuyên ngành, tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất-nhập khẩu. Thống kê kết quả xuất-nhập khẩu hàng hóa trên thực tế cũng cho thấy điều đó…

Dấu hiệu tích cực từ xuất-nhập khẩu hàng hóa

Từ đầu năm tới nay, những hệ lụy do dịch Covid-19 gây ra cho nền kinh tế toàn cầu cực kỳ nặng nề. Thêm vào đó, xung đột về kinh tế, quân sự giữa các quốc gia trên thế giới càng khiến những khó khăn cho kinh tế thế giới thêm trầm trọng. Giá cả nhiên-vật liệu tăng cao, các chuỗi cung ứng, tiêu thụ hàng hóa bị đứt gãy trên toàn cầu đẩy giá cả hàng hóa và lạm phát tăng vọt, sản xuất, kinh doanh bị đình đốn, phục hồi rất yếu ớt ở khắp nơi trên thế giới. Điều đó đã ảnh hưởng rất lớn tới tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam.

image.png

Ngành hải quan tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong quy trình quản lý, thực hiện ngành hải quan.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu hàng hóa năm 2021 của Việt Nam đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020. Còn theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 10-2022, tổng trị giá xuất-nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 58,27 tỷ USD, tăng 70 triệu USD so với tháng trước. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 30,27 tỷ USD, tăng 1,5% (tương ứng tăng 452 triệu USD) và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 28 tỷ USD, giảm 1,3% (tương ứng giảm 382 triệu USD). Tổng trị giá xuất-nhập khẩu của cả nước trong 10 tháng qua ước đạt 616,24 tỷ USD, tăng 14,1%, tương ứng tăng 75,94 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 312,82 tỷ USD, tăng 15,9% (tương ứng tăng 42,98 tỷ USD) và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 303,42 tỷ USD, tăng 12,2% (tương ứng tăng 32,95 tỷ USD). Như vậy, trong tháng 10, cả nước ước xuất siêu 2,27 tỷ USD. Tính chung từ đầu năm đến hết tháng 10-2022, cả nước ước tính xuất siêu 9,4 tỷ USD.

 “Kết quả này phản ánh những cố gắng to lớn của Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính và các bộ, ngành trong công tác cải cách thủ tục hành chính và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp”, Phó chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng nhận định.

Đa số doanh nghiệp hài lòng với thủ tục hải quan

Nhận định của ông Hoàng Quang Phòng được đưa ra trên cơ sở khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia và các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Hoạt động khảo sát này được bắt đầu từ năm 2019. Đến nay, mỗi năm, VCCI đều phối hợp với Tổng cục Hải quan cộng với hỗ trợ từ Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ thông qua dự án tạo thuận lợi thương mại để khảo sát và công bố báo cáo.

Kết quả khảo sát của hơn 3.000 doanh nghiệp xuất-nhập khẩu trong năm 2022 vừa được VCCI công bố cho thấy, phần lớn doanh nghiệp cho biết, Cổng một cửa quốc gia được vận hành tương đối tốt; quá trình thực hiện thủ tục trực tuyến trên cổng thuận lợi hơn; việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính qua cổng đã giúp giảm thời gian, chi phí cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng ghi nhận những chuyển biến tích cực tương tự trong lĩnh vực quản lý, kiểm tra chuyên ngành.

Phó vụ trưởng, Phó trưởng ban phụ trách Ban Cải cách, hiện đại hóa hải quan (Tổng cục Hải quan) Lương Khánh Thiết cho biết: "Tính đến ngày 17-10-2022, Cổng một cửa quốc gia đã có 250/261 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối, với gần 5 triệu bộ hồ sơ của hơn 55 nghìn doanh nghiệp. Bên cạnh việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, thời gian qua, cải cách, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất-nhập khẩu được Chính phủ đặc biệt quan tâm, chỉ đạo quyết liệt nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, giảm thời gian thông quan hàng hóa, cải thiện Chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia". 

Còn nhiều việc phải làm

Tuy vậy, qua ý kiến của các doanh nghiệp cho thấy, doanh nghiệp vẫn mong muốn các bộ, ngành, cơ quan hữu quan tiếp tục quan tâm nâng cao hiệu quả của Cổng một cửa quốc gia, đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành nhằm tạo thuận lợi thương mại nhiều hơn nữa.

Về kiểm tra chuyên ngành, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá, trình tự, thủ tục kiểm tra còn qua nhiều bước quá mức cần thiết, không thống nhất; doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, tiếp xúc với nhiều đầu mối cơ quan nhà nước; một số thủ tục kiểm tra chuyên ngành, quản lý chuyên ngành còn thực hiện thủ công; một số thủ tục đã chuyển sang hình thức điện tử nhưng chưa toàn diện, một số bước vẫn yêu cầu hồ sơ giấy. Các doanh nghiệp cũng cho rằng, sự trùng lặp về kiểm tra chuyên ngành giữa các bộ, ngành chưa được xử lý thống nhất bằng việc sửa đổi, ban hành văn bản quy phạm pháp luật phân công chức năng, nhiệm vụ; nhiều nhóm hàng còn chịu sự quản lý của nhiều bộ. Đặc biệt, doanh nghiệp phản ánh các bộ, ngành vẫn chưa áp dụng công nhận lẫn nhau, thừa nhận lẫn nhau; chưa áp dụng truy xuất nguồn gốc trong kiểm tra chuyên ngành.

Các doanh nghiệp đề nghị các bộ, ngành tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa các khâu trong quy trình kiểm tra chuyên ngành, từ nộp hồ sơ, kiểm tra hồ sơ, lấy mẫu và thông báo kết quả; áp dụng đầy đủ và rộng rãi hơn nguyên tắc quản lý rủi ro để tạo điều kiện tốt hơn cho các doanh nghiệp có lịch sử tuân thủ tốt; giảm đến mức thấp nhất những điểm chồng chéo giữa các quy định về kiểm tra chuyên ngành.

Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn triển khai Cơ chế một cửa quốc gia nhanh hơn và triệt để hơn để giảm tối đa các giấy tờ phải nộp, chuyển tối đa sang số hóa, tránh tình trạng doanh nghiệp vừa phải khai thông tin trên Cổng một cửa quốc gia, vừa phải làm thủ tục trực tiếp tại cơ quan quản lý nhà nước. Các cơ quan nhà nước cũng cần có cơ chế kết nối, chia sẻ thông tin để tránh yêu cầu trùng lặp với các doanh nghiệp.

Để tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất-nhập khẩu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường khẳng định, cơ quan hải quan sẽ nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành, đồng hành với doanh nghiệp để triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN đúng tiến độ; cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành để giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất-nhập khẩu, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. 

Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân Việt Nam 

https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/bo-ganh-nang-voi-thu-tuc-hai-quan-710384

296 lượt đọc
Bài viết hữu ích?
logoGiới thiệu chung về công ty Viettel LogisticsThông tin giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
cskh@viettellogistics.com.vn1900 8095
viettel