1. Chi nhánh Hà Nội
Ông Vũ Sỹ Niệm - 097.773.8143
2. Chi nhánh Miền Bắc
Ông Hoàng Văn Dương - 098.988.5588
3. Chi nhánh Miền Trung
Ông Phạm Văn Bình - 097.359.2345
4. Chi nhánh Miền Nam
Ông Nguyễn Văn Lắm - 098.800.0606
5. Chi nhánh Miền Tây
Ông Nguyễn Công Danh - 098.631.9388
Về đầu trang
logistics-hua-hen-nhieu-co-hoi-tiep-tuc-tang-truong-nhanh-trong-nam-2023
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, logistics là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất với mức tăng trưởng trung bình 14-16% mỗi năm, đóng góp vào GDP từ 4 đến 5%. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và quá trình dịch chuyển, tái cơ cấu các chuỗi cung ứng quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, ngành logistics Việt Nam được đánh giá là ngành kinh tế tiềm năng có cơ hội phát triển trong năm 2023.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, báo cáo về chỉ số logistics thị trường mới nổi năm 2022 do Agility vừa công bố, Việt Nam đứng thứ 11 trong bảng xếp hạng top 50 quốc gia đứng đầu thị trường logistics mới nổi, đứng thứ 4 tại khu vực Đông Nam Á. Sự phát triển của ngành logistics gắn liền với những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, nhờ vào việc đẩy mạnh mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, tích cực tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với những cam kết sâu rộng và toàn diện, mang tới nhiều cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp logistics nói riêng.
Logistics có khả năng tiếp tục tăng trưởng nhanh trong năm 2023
Bên cạnh những thuận lợi, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng chia sẻ, doanh nghiệp Việt Nam khi trao đổi thương mại với thế giới nói chung và với khu vực châu Âu – châu Mỹ hiện nay vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, trong đó phải kể đến các vấn đề như, cơ sở hạ tầng hạn chế, thiếu đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng logistics như kho bãi, trung tâm logistics; doanh nghiệp logistics còn thiếu thông tin; thiếu liên kết, ứng dụng công nghệ lạc hậu... Đây là những hạn chế rất lớn khiến chi phí logistics của Việt Nam luôn ở mức rất cao, là gánh nặng cho doanh nghiệp.
Đồng thuận quan điểm nêu trên, bà Võ Thị Phương Lan - Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP. Hồ Chí Minh (HLA) cho biết, hiện nay chi phí logistics trung bình của Việt Nam ở mức 16,8 – 17% giá trị hàng hóa. Tuy nhiên, trên thực tế có những doanh nghiệp phải chi trả tới 20 – 25% cho chi phí này.
Để giảm thiểu chi phí logistics cho doanh nghiệp, bà Võ Thị Phương Lan cho rằng, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nên thay đổi điều kiện bán hàng từ FOB sang mua hàng CIF nhằm chủ động hơn trong việc sử dụng các lịch vận chuyển phù hợp, tìm kiếm nhà cung cấp cạnh tranh uy tín nhằm tiết kiệm chi phí cước tàu và các rủi ro trong quá trình vận chuyển.
Đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics quan trọng trong khu vực
Đánh giá về sự phát triển của ngành logistics trong năm 2023, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, Chính phủ và các bộ, ngành đặc biệt quan tâm đến phát triển logistics đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics quan trọng trong khu vực. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Nghị quyết số 163/NQ-CP ngày 16/12/2022 về việc đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam. Đồng thời, hiện nay rất nhiều địa phương đã xây dựng kế hoạch, quy hoạch về phát triển logistics.
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng Hải Phòng
Tại Nghị quyết số 163/NQ-CP nêu rõ, quan điểm là phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin; phát triển thị trường dịch vụ logistics, tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp dịch vụ logistics; phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý, tăng cường kết nối để đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics quan trọng trong khu vực; phát triển logistics gắn với chuỗi cung ứng bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ.
Trong đó, Nghị quyết số 163/NQ-CP giao nhiệm vụ, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, tháo gỡ vướng mắc về chính sách thuế, phí, lệ phí, giá dịch vụ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh các hoạt động tạo thuận lợi thương mại, cải cách thủ tục hải quan, giảm và đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành, chuẩn hóa hồ sơ, triển khai các cam kết tại Hiệp định về thuận lợi hóa thương mại của WTO...
Bộ Công thương đôn đốc các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, cơ chế, chính sách để thực hiện đồng bộ, hiệu quả Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 theo Quyết định số 200/QĐ-TTg và Quyết định số 221/QĐ-TTg....
"Thuận lợi tiếp theo là hoạt động sản xuất thương mại của Việt Nam đang phục hồi và gia tăng rất tốt. Ngày 15/12, ghi nhận tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam lần đầu tiên đạt mức kỷ lục 700 tỷ USD. Cách đây 5 năm vào năm 2017, Việt Nam mới đạt được con số 400 tỷ USD… Đây là thuận lợi lớn vì khối lượng hàng hóa sản xuất, luân chuyển trong nước và giao dịch với thương mại quốc tế gia tăng, sẽ kéo theo nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics" - ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Nguồn: Thời báo Tài chính (Cơ quan của Bộ Tài chính)
Bạn đang tìm kiếm thêm về giải pháp vận chuyển cho doanh nghiệp của bạn?
Liên hệBạn đang tìm kiếm thêm về giải pháp vận chuyển cho doanh nghiệp của bạn?
Liên hệ